Tìm kiếm Tài nguyên trên violet.vn
Dưới góc nhìn cá nhân: Những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2018.
Năm 2018, ngành giáo dục tơi tả trước sự tấn công của báo chí và MXH. Để giảm bớt sự bi quan không đáng có, chúng ta hãy cũng nhìn lại các sự kiện “chấn động” của ngành GD năm qua.
1. Phong Giáo sư tăng đột biến
Báo chí VN đã khai thác rất tốt tinh thần tiểu nông hèn mọn của một bộ phận dân ta, chỉ cần thấy người khác tốt bất thường là y như rằng gán cho chuyện tiêu cực. Thực ra, hãy để ý thành tích nghiên cứu khoa học VN gần đây tăng vọt, năm 2016 mới lần đầu đạt mức 3000 bài báo công bố quốc tế, trong khi chỉ 10 tháng đầu năm 2018 tính riêng các trường ĐH đã đạt hơn 10.000 bài. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên có 2 trường ĐH của VN lọt vào top 1000 thế giới. Phong GS nó dựa vào tiêu chuẩn, chứ không phải theo chỉ tiêu, nên khi thành tích khoa học tăng, nhiều người đạt chuẩn và được phong là chuyện bình thường. Tất nhiên trong số này có thể có vài trường hợp này nọ, nhưng không thể lấy đó để đánh giá phần lớn số còn lại.
Mà cứ giả sử có chuyện phong quá đà đi nữa, thì cũng đâu có gì to tát, GS cũng chỉ là cái học hàm cho oai, tăng 1 bậc lương bõ bèn gì. Cứ suốt ngày kêu gào không nên coi trọng bằng cấp, thế mà thấy người ta phong GS cho nhau lại nhảy loạn hết cả lên.
2. Chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La
Sự kiện được thổi phồng đến mức mà nhiều người cho rằng đây là sự đào thải người giỏi, chọn lọc người dốt, từ đó dẫn đến sự diệt vong đất nước. Tất nhiên, gian lận là chuyện xấu cần loại bỏ, nhưng cũng không đến mức ghê gớm như vậy.
Hãy nhìn thực tế khi chấm điểm lại, những học sinh 29-30 điểm vẫn còn 23-24 điểm, dư sức vào các trường ĐH khác, mà kể cả nếu bọn này có là dốt đi nữa, thì tỷ lệ gian lận trên tổng số học sinh cũng là vô cùng nhỏ, chắc chắn không đủ làm thay đổi điểm chuẩn, không thể có chuyện đào thải người giỏi.
Đã thi cử thì chuyện gian lận là khó tránh khỏi, đến ngay cả danh nhân như Cao Bá Quát làm chủ khảo cũng còn gian lận phải tù đày, hay ngay như nước Nhật văn minh nhất thế giới mà cả dàn quan chức phải đứng ra xin lỗi vì gian lận thi cử. Chẳng có bất cứ quy trình hay công nghệ nào chống được gian lận một cách tuyệt đối, nhưng các kỳ thi vẫn được tổ chức vì tỷ lệ tiêu cực là chấp nhận được, nhất là với những kỳ thi đầu vào, việc để lọt một vài trường hợp kém cỏi cũng chẳng gây hại gì, bởi những đối tượng này sớm muộn cũng sẽ bị đào thải trong quá trình đào tạo.
Ngày trước, Bộ GD&ĐT trực tiếp đứng ra tổ chức thi tuyển sinh tập trung, vì vậy các sĩ tử khắp nơi ùn ùn về kinh dự thi, gây nên sự tốn kém lãng phí cho xã hội, vất vả cho phụ huynh và học sinh. Thế nên sau này, các kỳ thi được chuyển về địa phương, dù biết rằng về địa phương thì sẽ không thể kiểm soát và gian lận sẽ tăng, nhưng nếu so sánh tiêu cực đó với những lợi ích đem lại thì vẫn hoàn toàn đáng làm. Thi cử cũng chỉ như mọi lĩnh vực khác của cuộc sống thôi, không có gì là hoàn hảo cả, nên chúng ta cũng đừng có đòi hỏi quá đáng.
Ảnh minh họa. Nguồn tuoitre.vn
3. Giáo viên “bạo hành” với học sinh
Việc phạt học sinh là một chuyện xưa như Trái Đất, và bất cứ hình thức phạt nào dù nhẹ nhất (như phê bình trước lớp, bắt chép phạt, ghi sổ đầu bài,…) cũng đều là hành hạ hoặc về thể xác hoặc về tinh thần.
Tuy nhiên, việc nhà báo dùng chữ “bạo hành” và những mô tả cắp cúp, thổi phồng quá đáng đã biến những hình phạt này thành tội ác man rợ, trong khi thực tế các nạn nhân chẳng làm sao và chẳng thấy vấn đề gì. Cái cốc nước ghẻ lau của cô giáo Hải Phòng không một báo nào nhắc đến “nồng độ” của nó, “súc miệng” thì họ thổi phồng thành “uống”. Cô bé học sinh vẫn vui vẻ bình thường sau khi bị phạt, tai họa chỉ thực sự đến với em khi một lũ khốn nạn chỉ vì muốn câu view, nhân danh đạo đức thổi phồng chuyện lên, làm cô giáo bị đuổi việc và em bị bạn bè xa lánh ghét bỏ.
Hay cô giáo Minh Châu ở TPHCM, khởi đầu là một hình phạt nhẹ, dỗi không giảng bài trong 1 tuần (nhưng vẫn viết bảng + giao bài), tuy nhiên sau đó, cả cô và lớp đều nhận ra rằng đó là một cách dạy hay, học sinh học tập chủ động tích cực, đem lại hiệu quả cao hơn. Thực ra đó chính là phương pháp dạy học tiến bộ, không chỉ giới chuyên môn mà ngay cả trong Luật Giáo dục cũng khuyến khích hướng tới (xem khoản 2, điều 28). Cho nên suốt 3 tháng sau đó, cô Châu vẫn tiếp tục cách dạy này (những học sinh nào không tự học được thì cuối giờ ở lại cô vẫn giảng bài đầy đủ). Cô thực sự là giáo viên tận tụy với nghề đáng được biểu dương, tuy nhiên, chỉ vì 1 học sinh không hài lòng với cách dạy mới, thế là bọn báo chí chúng nó vồ lấy, biến cô giáo thành kẻ “bạo hành tinh thần”, rồi đưa tin vô cùng phiến diện: cả 1 lớp có mấy chục học sinh, nhưng không một báo nào đưa ý kiến của bất kỳ em nào ngoài em học sinh khác biệt kia. Bất lực trước báo chí, các em đành quay sang tẩy chay “người hùng”, thế là lũ khốn nạn liền lập tức chửi rủa các em là súc vật, lưng gù, hèn nhát, v.v…
Chuyện tát học sinh 231 cái hay bắt cả lớp quỳ nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng ta hãy đánh giá mức độ qua kết quả thực tế. Học sinh bị tát xong mà mặt mày vẫn tươi rói thì đương nhiên cũng chỉ là những cái tát rất nhẹ, hình phạt chỉ là giơ cao đánh khẽ, hoàn toàn chẳng có gì đáng nói nếu so với các vụ bạo lực học đường vẫn xảy ra như cơm bữa: học sinh đâm chết nhau, học sinh đâm thầy giáo xuyên gan thủng mật,… (search Google chữ học sinh đâm…, học sinh chém… thì ra vô vàn)
Thậm chí để tấn công ngành giáo dục, những chuyện như giáo viên dâm ô trẻ em, sử dụng ma túy,… dù chỉ là những vụ án dân sự hoặc hình sự không liên quan đến giáo dục, nhưng cũng được lôi vào hết. Ngành nghề nào cũng có chuyện như vậy, không lẽ nông dân đánh nhau thì đổ tội cho Bộ Nông nghiệp, văn nghệ sĩ ăn cắp thì đổ tội cho Bộ Văn hóa, thương nhân lừa đảo thì đổ tội cho Bộ Công thương,… Ở đây có lẽ chỉ là do ông Bộ trưởng GD quá đần và dễ điều khiển, nên báo chí cứ hơi một tý là lôi ông này vào cho dân chửi sướng miệng để câu view.
4. Chuyện đánh vần theo Công nghệ GD
Chuyện đánh vần CNGD cũng là chuyện đã tồn tại hơn 40 năm, rất nhiều người từng học và không có vấn đề gì về ngôn ngữ, họ vẫn học giỏi và thành đạt như thường, mà điển hình là GS Ngô Bảo Châu.
Thế nên chuyện công kích cách đánh vần của CNGD là điều hết sức lố bịch. Đánh vần là cách chuyển từ chữ viết thành lời đọc, kết quả đọc như nhau thì cách nào mà chẳng được, khác gì chuyện “đồng nào mua mắn, đồng nào mua tương”. Cách đánh vần kiểu CNGD thì rất chuẩn âm tiếng, nhưng phải biến đổi chữ, còn cách vần truyền thống tuy không chuẩn nhưng được cái không phải biến đổi, viết thế nào đánh vần luôn thế. Cho nên ở miền núi hoặc nơi học sinh kém, người ta dạy CNGD để đọc cho chuẩn, còn những địa phương phát triển thì dạy kiểu truyền thống cho nhanh. Có thế thôi mà cũng phải làm trò, thật nực cười.
Tất nhiên, chuyện đánh vần này chỉ là bề nổi cho những biến động sâu bên trong của ngành giáo dục, nhưng những chuyện đó sẽ không bàn ở đây.
5. Xử phạt sinh viên “hoạt động mại dâm”.
Đó cũng là quy định đã tồn tại mười mấy năm nay từ thời BT Nguyễn Thiện Nhân. Quy định này bỗng nhiên được bọn báo chí lôi ra, bóp méo thô thiển thành “Bộ GD cho phép sinh viên bán dâm 3 lần”, thế mà cũng dắt mũi được bao nhiêu người, kể cả các GS.TS.
Hoạt động mại dâm là bao gồm cả mua chứ không riêng gì bán dâm, và vi phạm bất cứ lần nào cũng đều bị xử phạt từ nhẹ đến nặng, chứ không hề có chuyện “cho phép” nào cả. Và hãy thử vận dụng cái đầu để suy nghĩ thì sẽ thấy quy định đó hoàn toàn hợp lý. Thời chiến tranh và bao cấp, những chuyện này là tày trời, thậm chí yêu đương sớm đã là hủ hóa, tuy nhiên ngày nay cũng đã thoáng hơn nhiều, ngay cả những cô gái mại dâm vài năm trước đây còn phải vào trại, giờ cũng chỉ bị phạt hành chính (tội nhẹ như tội vi phạm luật giao thông). Thế cho nên không thể đuổi học sinh viên ngay lần đầu tiên đi mua bán dâm (hoặc vi phạm luật giao thông) được.
6. Chương trình 27 môn học phổ thông mới
Chương trình ban hành theo kế hoạch, không có gì lạ. Điều kỳ lạ ở chỗ nó được công bố để lấy ý kiến của cộng đồng, và mặc dù cộng đồng chúng ta cực kỳ quan tâm đến giáo dục, cực kỳ nhạy cảm với giáo dục, ấy thế mà hầu như không thấy ai lên tiếng (mặc dù cái chương trình hiện tại đầy lỗi). Trong khi mấy cái kiến thức lớp 1 như “nhân chia làm trước, cộng trừ làm sau”, rồi 8x3 hay 3x8, rồi đánh vần q, k, c,… hay mấy chuyện làm sai văn mẫu như “canh gà Thọ Xương”, “Thánh Gióng tắm Hồ Tây”,… thì bàn luận vô cùng sôi nổi, nhưng chỉ cần rộng hơn hoặc cao hơn một tý thì cả báo chí và cộng đồng đều im bặt.
Hóa ra dân trí nước ta chỉ thấp ngang học sinh lớp 1, thật đau lòng cho ngành giáo dục.
Nguồn https://www.facebook.com/dinh.h.minh.7/posts/10211415492017596
Hỗ Trợ Thư Viện Violet @ 15:30 14/02/2019
Số lượt xem: 2597
- 10 điều giáo viên muốn học sinh biết về bản thân mình (14/02/19)
- Dành cho giáo viên trẻ: Tại sao học sinh vẫn không yêu quý em? (14/02/19)
- Tại sao bạn không nên quá cố gắng để trở thành một giáo viên được yêu thích (14/02/19)
- Giáo viên - nghề lao động trí óc căng thẳng (14/02/19)
- Cách nào để công đoàn luôn dám đứng về phía người lao động? (13/02/19)
Các ý kiến mới nhất