Tìm kiếm Tài nguyên trên violet.vn
Cô Lê Thị Tú: "11 năm làm giáo viên, thứ tôi nhận được nhiều nhất chính là tình cảm của học trò".
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Bình, sống và công tác giữa đại ngàn Tây Nguyên. Mười một năm gắn bó và bám trụ với nghề, đã có những lúc tâm trạng chán nản và mệt mỏi, nhưng tình cảm của học sinh chính là động lực to lớn để cô tiếp tục yêu nghề. Đó là câu chuyện của cô giáo Lê Thị Tú – giáo viên trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Easol, huyện EaH’leo, tỉnh Đăk Lăk.
Cô Lê Thị Tú - chụp ngẫu hứng trên đường đến phân hiệu (cách trường chính khoảng 10km)
Cô tâm sự, thuở nhỏ mình cũng từng ước mơ, những ước mơ thật đẹp. Cô vốn yêu văn thơ, nhạc họa nên ước sau này sẽ thành nhà thơ, rồi thành họa sỹ, và lớn nhất là ước mơ trở thành nhà báo. Tuy nhiên, lớn lên một phần từ hoàn cảnh gia đình, cô chọn sư phạm.
Trong quá trình học tập tại trường sư phạm, có những lúc cô cảm thấy chán nản vì thấy mình đi chưa đúng con đường yêu thích. Nhưng trong kì thực tập cuối cùng tại một trường THCS, được trải nghiệm cùng các thầy cô giáo, được chia sẻ kiến thức của bản thân cho các em học sinh, ngắm nhìn những đôi mắt trong veo của các em,…khiến cô nhận ra được ý nghĩa của nghề giáo. Đó chính là cơ duyên đưa cô đến với nghề.
Cô Tú cùng các giáo viên trẻ những năm đầu mới ra trường.
Hè 2007 cô đã nộp hồ sơ xin việc tại Sở Giáo dục và đào tạo Đăk Lăk và đã được phân công giảng dạy tại trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc địa bàn xã Easol, huyện Eah’leo đến tận bây giờ.
Các giáo viên nữ của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm,xã Easol, huyện EaH’leo
Tâm sự với cô về khoảng thời gian đầu công tác tại trường, cô bùi ngùi kể lại: “Khoảng thời gian đầu mới vào trường tâm lí mình khá xuống dốc J. Trường cách trung tâm huyện chừng 18km, nằm trên tỉnh lộ 15-nối quốc lộ 14 với thị xã Ajunpa, Gia Lai. Năm đó, con đường huyết mạch ấy (đoạn từ thị trấn Ea đrăng đến xã Easol) chưa được rải nhựa, đường lồi lõm đất đá, ổ voi, ổ gà rất nhiều. Khi mùa mưa đến, xã gần như bị cô lập bởi con đường duy nhất ra huyện lầy lội khủng khiếp.
Có một lần trời mưa rất to, mình mượn chiếc xe dream của một người bạn và đánh vật với con đường suốt 3 giờ đồng hồ mới tới được trường. Thời điểm đó trường chưa được xây dựng khang trang, chưa có hàng rào nên heo, bò vào tung tăng trong sân như đi dạo. Khu tập thể giáo viên được làm từ những tấm ván lợp tạm bợ…Nhiều lúc khóc thầm vì nhớ nhà, và cũng vì thấy cuộc sống quá vất vả.
Nhưng nay mọi thứ đã ổn rồi. Đường được làm rất đẹp, trường học xây dựng kiến cố, mặc dù trang thiết bị cho dạy và học chưa được đầy đủ lắm.”
Toàn cảnh một buổi lễ của trường.
Đối với cô Tú nhưng ngày đầu về công tác tại trường là những ngày không thể nào quên trong cuộc đời cô. Học sinh đồng bào ở đây vô cùng háo hức trông chờ các thầy cô giáo mới.
Ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, các em HS lớp khác đứng đầy ngoài cửa sổ nhìn cô với ánh mắt ngạc nhiên và tò mò. Cô Tú còn nhớ mãi có em còn thắc mắc: “không biết là cô giáo hay học sinh mới về ấy nhỉ?”.
Kể về những kỉ niệm với ngôi trường, với học sinh nơi đây khiến cô xúc động và bồi hồi.
Đó là cành chôm chôm đỏ rực, mát lành mà một em học sinh lớp 7 người Ê đê trên đường đi rẫy về đã chạy vào khu tập thể trao vội cho cô.
Đó là Hội trại năm 2008, là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất đến nay của trường tổ chức. Lúc đó cô chủ nhiệm lớp 8B, để chuẩn bị cho hội trại, cô và học trò lặn lội đi chặt le, chặt cây, cắm đầu vào trang trí, tập văn nghệ…Học sinh còn chuẩn bị cho cô chủ nhiệm một bộ trang phục truyền thống của Ê-đê để mang trong buổi dạ hội của trường. Tuy vất vả nhưng cả cô và trò đều vui không tưởng.
Kỉ niệm đặc biệt nhất chính là năm cô sinh con, các bạn HS đã đến tận nhà thăm cô, thăm em bé, đem đến cho những nải chuối, quả bắp…giản dị mà thân thương lắm.
Cùng các em học sinh lớp 9 cũ (năm học 2015)
Cô nhớ: “có em học sinh đã tâm sự với cô về ước mơ, về hoàn cảnh gia đình không như các bạn, về những khó khăn em gặp phải, mình đã trăn trở rất nhiều để khuyên giải em mong em tiếp tục học tập. Và trong những năm qua, mình đã cùng các em HS các lớp 7E, 8B, 8C, 8A, 9B, 7B… trải qua khoảng thời gian thương mến qua những lần tổ chức trung thu, văn nghệ cho các em, nhớ mãi cảm xúc khi chia tay các em lên cấp học mới...”
Hàng ngày đến lớp, được nghe các em nói, được nhìn các em cười, được các em thắc mắc về kiến thức, tâm sự về đời sống, được truyền thụ kiến thức, chắp thêm đôi cánh ước mơ cho các em, đó là niềm vui của cô.!
HS tổ chức mừng sinh nhật cho cô giáo.
Thật sự khi ở trong nghề mới thấy hết được những khó khăn, vất vả. Nhưng với trách nhiệm đặt ra, người giáo viên phải làm thế nào đó để cống hiến hết mình cho công việc cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ ở gia đình. Cô Tú cố gắng cân đối thời gian hợp lí, thời gian lên lớp, việc trường là cố định phải hoàn thành, thời gian còn lại là chăm sóc con, làm việc nhà, tranh thủ soạn bài, chấm bài vào buổi tối. Chủ nhật rảnh thì đôi khi cô phụ giúp gia đình việc nương rẫy.
Gia đình nhỏ, hạnh phúc to của cô giáo trẻ.
Không chỉ dừng ở đó, cô Tú còn tích cực tham gia vào các hoạt động nhân ái. Bởi ở địa phương nơi cô sinh sống gia đình nghèo còn chiếm tỉ lệ cao, đặc biệt là bà con đồng bào tại chỗ. Trong xã cô còn có một buôn ở cách biệt là những cụ già bị bệnh phong (còn gọi là làng Cùi) các cụ sống rất khổ sở...Chính vì thế, các thanh niên và giáo viên trong huyện đã lập ra Nhóm thiện nguyện Nhân Ái huyện Eah’leo, nhằm kêu gọi, huy động sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng chung tay giúp một chút gì đó cho những hộ, các trẻ em nghèo nơi đây.
Cô chia sẻ, “mỗi ngày đến trường mình thấy học sinh vẫn có những em không đủ cơm ăn áo mặc, đặc biệt là ở phân hiệu của trường cách xã khoảng hơn 10km còn rất khó khăn, các em nói tiếng Kinh còn chưa rõ, chưa đủ sách vở và đồng phục. Mình tham gia vào nhóm thiện nguyện chỉ có mong muốn góp một ít sức mình để giúp điều gì đó cho các em. Mình hi vọng có thêm nhiều sự ủng hộ từ mọi người, mọi miền cho địa phương mình – một nơi còn rất nhiều thiệt thòi.”
Nhóm Nhân Ái trong môt hoạt động ủng hộ các cụ già bị bệnh phong tại buôn Cùi xã Eas
Vào những lúc rảnh rỗi, cô Tú thường đọc sách, viết văn, thơ để giải trí. Cô vốn yêu văn thơ từ nhỏ. Đam mê thơ văn của cô bắt đầu xuất hiện từ khi học Tiểu học, nhưng lúc đó cô mới chỉ đọc sách. Qua cấp 2 cô bắt đầu tập tành viết văn, thơ cho các tờ báo thiếu nhi, những bài viết đầu tiên được đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong. Sau này khi lên cấp 3, cô học lớp chuyên văn và từ đó kĩ năng viết lách được trau dồi, rèn dũa đến ngày nay.
Cô tâm sự, “mình chủ yếu viết thơ, một số bài được đăng trên báo Mực tím, Rùa vàng, TNTP, Áo trắng, báo Phụ nữ. Mình thích viết về tuổi học trò, quê hương, về mẹ, về tình yêu...Thực ra cũng phải hơn 10 năm mình mới viết lại. Không hiểu sao từ khi học xong, mình dường như không còn cảm xúc để viết. Khi biết đến cuộc thi “Ngày hè trong tôi” của Violet, mình mới tập viết lại. Cảm giác ngượng ngùng, nhưng cũng rất nhiều cảm xúc.”
Bên cạnh văn thơ, cô còn yêu vẽ từ bé. Khi lớn lên, cô cũng đã từng chọn thi mỹ thuật, nhưng không đậu nên hết duyên từ đó. Cho đến bây giờ, cô vẫn rất thích, nhưng lại không có thời gian và điều kiện để theo đuổi, nên đành gác lại.
Khi tôi hỏi cô, ngoài các sở thích trên, cô còn sở thích nào nữa không, cô ngượng ngùng trả lời: “mình thích xem phim hoạt hình lắm”. Thật là một cô giáo thú vị.
Nụ cười và niềm vui của học sinh là thứ cô mong mỏi nhất
Có lẽ trong tâm khảm mỗi người giáo viên, sự thành công không đến từ những danh hiệu đạt được, từ những giải này giải nọ; người giáo viên thành công là người chạm tới trái tim học sinh, là sự trân quý và tin tưởng từ học sinh.
Bản thân tôi nghĩ, cô Tú chính là một cô giáo như vậy, 11 năm làm giáo viên, thứ cô nhận được nhiều nhất chính là tình cảm của các em. “Các em đã coi mình nhưng người chị, người mẹ để học tập, trau dồi đạo đức, tư tưởng, năng lực... Các em đã rất yêu thương, tin tưởng mình. Phụ huynh cũng đã tin tưởng khi gửi gắm con em cho trường học. Mình cũng nhận được những trải nghiệm, kinh nghiệm quý trong quá trình giảng dạy ở trường và sinh sống tại vùng đất này. Đó chính là thành công mà mình đạt được.” Cô bộc bạch.
Có người đã từng nói với tôi: “mỗi giáo viên đều có câu chuyện của mình để kể”. Khi tiếp xúc với cô Tú, tôi đã được biết thêm một câu chuyện về người giáo viên Việt Nam thật đẹp, thật hạnh phúc và đong đầy kỉ niệm.
Trân trọng cảm ơn cô đã dành thời gian để tâm sự chuyện đời, chuyện nghề với Thư viện trực tuyến Violet.vn. Chúc cô và gia đình mạnh khỏe, thành công trong cuộc sống. Chúc các em học sinh THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện EaH’leo luôn chăm ngoan, học giỏi.
Ảnh: cô giáo Lê Thị Tú
Biên tập Phương Hoa
Hỗ Trợ Thư Viện Violet @ 09:36 13/10/2017
Số lượt xem: 10977
- Nhọc nhằn giáo viên làm nghề tay trái "nuôi" nghề giáo. (11/10/17)
- Sở GD-ĐT Hà Nội: "Không được ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm" (10/10/17)
- Những lời răn dạy "khắc tạc" vào trái tim học trò của PGS. Văn Như Cương (09/10/17)
- Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu chi 70% thù lao cho giáo viên dạy thêm ở trường (09/10/17)
- Lễ ký kết hợp tác Xây dựng thư viện số GD Tiểu học giữa Công ty CP mạng GD Bạch Kim và khoa GD Tiểu học trường ĐH Thủ đô. (06/10/17)
Các ý kiến mới nhất