Tìm kiếm Tài nguyên trên violet.vn
Học sinh tiểu học có cần học nhiều môn thế không?
Với áp lực một tuần học gần 20 môn và yêu cầu các môn học quá cao thì viễn cảnh trước mắt những đứa trẻ lên 6 lên 7 sẽ phải miệt mài ngày đêm cày trên sách.
Nhìn vào phân bố chương trình phổ thông mới, nhiều người sẽ nhầm tưởng chương trình mới đã giảm tải được khá nhiều môn học so với chương trình hiện hành.
Thế nhưng chỉ ai là giáo viên dạy tiểu học ở hai chương trình hiện hành và VNEN mới biết được các môn học ở chương trình mới không giảm so với chương trình cũ mà còn tăng vì thêm một số môn học bắt buộc có phân hóa và môn học tự chọn.
Việc tăng môn học và tăng lượng kiến thức yêu cầu sẽ trở thành gánh nặng cho những đứa trẻ mới lớn.
Ảnh minh họa. Nguồn school.fpt.edu.vn
Những môn học ở tiểu học
- Ở chương trình hiện hành:
Học sinh tiểu học hiện đang được học khoảng 14-17 môn. Cụ thể Toán, Tập đọc, Tập viết, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn, Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3), Khoa học, Lịch sử và Địa lý (lớp 4, 5), Anh văn, Tin học (lớp 3, 4, 5), Thủ công, Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Sinh hoạt tập thể, Sinh hoạt tập thể (bổ sung).
- Ở chương trình mới:
Các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.
Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).
Với sự xuất hiện của những môn học bắt buộc có phân hóa thì một học sinh tiểu học thực chất phải học gần 20 môn mỗi tuần.
Giảm môn theo kiểu gộp môn
Ở chương trình mới đã xuất hiện môn Tiếng Việt. Theo sách VNEN môn Tiếng Việt được tạo ra bởi 5 phân môn:
Tập đọc, Tập viết, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn của chương trình hiện hành. Môn Nghệ thuật gộp 3 môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Kĩ thuật.
Đây chỉ là sự thay đổi về hình thức (thay đổi về tên gọi các môn học) còn nội dung kiến thức cần cung cấp cho học sinh lại chẳng có gì khác so với những tên gọi trước đây.
Sự thay đổi về hình thức kiểu này dễ đánh lừa mọi người rằng nhiều môn học đã được giảm tải. Với sự thay đổi kiểu này chỉ có duy nhất một điều lợi rằng các môn học tưởng ít hơn. Nhưng điều bất lợi lại quá nhiều.
Học sinh khối 1, 2 yêu cầu quá nhiều về môn Tự nhiên và Xã hội
Trẻ mới ở độ tuổi lên 6, 7, lứa tuổi vừa qua lớp mẫu giáo nói còn chưa tròn vành rõ chữ. Mục tiêu các em cần đạt cũng chỉ nên dừng ở việc đọc thông viết thạo là đủ.
Thế nhưng ngoài gánh nặng về hai môn học chính Toán và Tiếng Việt (đã phản ánh ở những bài viết trước) thì môn Tự nhiên và Xã hội cũng đòi hỏi quá cao so với nhận thức của các em.
Cụ thể, các em phải học tới 6 chủ điểm như Gia đình, Trường học, Cộng đồng địa phương, Thực vật và động vật, Con người và sức khỏe, Trái Đất và bầu trời.
Ví như: Ở lớp 1 mà yêu cầu học sinh: Mô tả được một số hiện tượng thời tiết: nắng, mưa, nóng, lạnh, gió,... ở mức độ đơn giản. Nêu được một số lí do cho thấy sự cần thiết phải theo dõi dự báo thời tiết hàng ngày.
Giới thiệu được một cách đơn giản về vị trí và tổ chức không gian của lớp học, trường học thông qua quan sát thực tế lớp học, trường học và (hoặc) tranh ảnh/video clip.
Với việc yêu cầu kiến thức như thế đã vượt khỏi tầm nhận thức của học sinh. Trong thực tế khi dạy, thầy cô luôn phải sử dụng phương pháp thuyết trình trò mới hiểu được. Những khi thao giảng dụ giờ, thầy cô phải gà bài, dạy đi dạy lại đến nhiều lần mới dám dạy thật.
Với áp lực một tuần học gần 20 môn (riêng môn Tiếng Việt được gộp từ 5 môn học, môn Nghệ thuật gộp từ 3 môn học trước đây) và yêu cầu của các môn học quá cao thì viễn cảnh hiện ra trước mắt những đứa trẻ lên 6 lên 7 sẽ phải miệt mài cày trên sách vở cả ngày lẫn đêm.
Chúng ta đừng hy vọng gì những đứa trẻ bé thơ ấy sẽ có thời gian vui chơi giải trí để có được tuổi thơ.
Theo giaoduc.net.vn
Hỗ Trợ Thư Viện Violet @ 09:58 27/02/2018
Số lượt xem: 3012
- Những nguyên tắc đơn giản mà giáo viên nên tuân thủ (26/02/18)
- 6 cách giúp giáo viên thành công trong các cuộc phỏng vấn (26/02/18)
- 5 Lời khuyên hữu ích về việc lập kế hoạch giảng dạy cho giáo viên (23/02/18)
- 10 thỉnh cầu được lòng thầy/cô của một thầy giáo gửi tới Bộ Giáo dục (22/02/18)
- Những điều nhà trường thường 'quên' dạy trò (22/02/18)
Các ý kiến mới nhất