Tìm kiếm Tài nguyên trên violet.vn
Có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào, giáo viên khó tận tâm bám trường, bám lớp
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – đoàn Hưng Yên đã bày tỏ lo ngại trên trước đề xuất bỏ chế độ “viên chức suốt đời”.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn với việc thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức ngày 10/6.
Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, Chính phủ trình 2 phương án. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – đoàn Hưng Yên phát biểu: “Theo tôi không nên cứng nhắc quy định lựa chọn 1 trong 2 phương án”.
Đại biểu phân tích, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ thì việc thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn sẽ tạo môi trường làm việc tích cực, khắc phục hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là vào dễ, ra khó.
Tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm đồng thời đảm bảo cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng, ký hợp đồng, liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, với tình thình thực tế việc thực hiện tự chủ còn khó khăn, vướng mắc nhiều ở cơ chế chính sách.
"Nhiều đơn vị sự nghiệp chưa thể tự chủ, đặc biệt đối với các trường khối phổ thông, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn không thể thu hút được sinh viên theo nghề, thu hút được giáo viên bám trường, bám lớp.
Giáo viên công tác tại các vùng đó không còn tâm huyết mà cống hiến cho nghề bởi tâm lý có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào", đại biểu nói.
Mặt khác, theo đại biểu Phúc, việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần vi phạm Luật Lao động vì quy định không ký hợp đồng xác định thời hạn quá 2 lần.
“Tôi đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động của chính sách này kỹ hơn. Còn quy định cụ thể từng đối tượng chịu sự tác động của chính sách này cho phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với từng loại hình đơn vị và tránh gây bức xúc trong dư luận”.
Cũng liên quan đến quy định trên, đại biểu Ka H’Hoa – đoàn Đắk Nông nhấn mạnh “Tôi thấy theo Luật Viên chức hiện hành khi quy định về 2 loại hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn gây ra sự phân biệt viên chức hợp đồng với viên chức biên chế dẫn đến sự bất bình đẳng, tạo tâm lý so sánh giữa những người cùng làm việc ở một đơn vị do phải ký 2 loại hợp đồng khác nhau.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy chế định hợp đồng đối với viên chức hiện hành có nhiều ưu điểm, đạt được kết quả tích cực và đã được thực hiện trong một thời gian dài”.
Theo đại biểu, đề xuất bỏ chế độ "viên chức suốt đời" là một trong những nội dung rất quan trọng trong lần sửa đổi này, đối tượng chịu sự tác động lớn.
Quy định này sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ viên chức vì theo phương án 1 đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày luật có hiệu lực sẽ không được ký hợp đồng không xác định thời hạn, kể cả đối với những trường hợp sau khi hết thời hạn lần thứ hai.
“Như vậy, sẽ luôn có những so sánh và lo ngại trong quá trình làm việc và liệu có phát sinh cơ chế chạy hợp đồng hàng năm không?
Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo phải cân nhắc thận trọng, tính toán kỹ hiệu quả, tác động xã hội của quy định. Nếu chúng ta không đưa ra được những lập luận để thấy rõ ưu điểm của phương án lựa chọn sẽ gây ra những tác động không nhỏ, tạo tâm lý bất ổn, lo lắng trong đội ngũ viên chức”, đại biểu băn khoăn.
Hỗ Trợ Thư Viện Violet @ 10:21 13/06/2019
Số lượt xem: 4691
- Ngày 14.6, Hà Nội sẽ công bố điểm thi vào lớp 10 năm 2019 (12/06/19)
- Một giáo viên mầm non phải làm 12 loại sổ sách (11/06/19)
- Một bài phát biểu bế giảng của sinh viên buộc chúng ta phải suy ngẫm (11/06/19)
- Có thể khởi kiện khi hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải trực trường không công (07/06/19)
- Những lợi ích giáo viên nên biết từ tăng lương cơ bản ngày 01/7/2019 (06/06/19)
Các ý kiến mới nhất