Tìm kiếm Tài nguyên trên violet.vn
Bỏ chính sách miễn học phí: Ngành Sư phạm "ế" lại càng... "ế"
Mới đây, hội thảo khoa học Tác động của chính sách miễn học phí đối với chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên do bộ GD&ĐT tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia giáo dục.
Có ý kiến cho rằng, nên bỏ chính sách cấp bù học phí cho sinh viên theo học ngành Sư phạm. Tuy nhiên, nhiều quan điểm lại ủng hộ việc cần tiếp tục duy trì chính sách này để ngành Sư phạm có thể thu hút được người tài trong bối cảnh đổi mới giáo dục đang diễn ra.
GS Đinh Quang Báo không đồng tình với quan điểm muốn bỏ chính sách miễn học phí với sinh viên sư phạm.
Tại hội thảo, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, chính sách miễn học phí có từ cuối năm 1996, với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.
“Khi ấy, ngay vào mùa tuyển sinh đầu tiên (1996-1997) các trường đại học sư phạm được một lứa sinh viên nằm trong top đầu của phổ thông. Đơn cử như khoa Toán, đại học Sư phạm Hà Nội lấy 27 điểm. Điều này kéo dài được 10 năm và ngày đó chúng ta đào tạo được bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không có chuyện sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp. Đó là tác động tích cực của chính sách miễn học phí”, ông Báo nói.
Tuy nhiên, ông Báo băn khoăn vì đến thời điểm này, chính sách miễn học phí cũng không thu hút được người giỏi vào ngành Sư phạm. Ông giải thích lý do: “Nhiều trường đào tạo quá tràn lan dẫn đến việc sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc, nói một cách nôm na là “ế”. Nếu đã "ế" thì không ai muốn vào là điều đương nhiên”.
“Tác hại của việc sinh viên ra trường không xin được việc là rất lớn. Thứ nhất là lãng phí ngân sách Nhà nước, thứ hai là gia đình chịu nhiều tốn kém. Vì thế, ngày càng nhiều người không tha thiết với ngành Sư phạm cũng là bình thường”, ông Báo phân tích.
“Muốn chất lượng đầu vào đại học cao thì phải chú trọng ngay từ cấp học phổ thông. Theo tôi cần có một cuộc cách mạng để khôi phục lại việc thu hút người tài vào ngành Sư phạm. Muốn thu hút sinh viên giỏi thì đầu tiên phải có quy hoạch đào tạo chặt chẽ để sinh viên ra trường có việc làm; thứ hai là tiếp tục miễn học phí; cuối cùng là việc nâng lương cho giáo viên”, ông Báo nêu ý kiến.
Nguyên lãnh đạo trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng khẳng định: “Miễn học phí vẫn là một trong những yếu tố để thu hút người tài vào ngành Sư phạm, không thể bỏ chính sách này được. Hoặc chúng ta có thể thu tiền học phí, đến khi ra trường xin việc thì trả lại cho phụ huynh. Nhưng quan trọng nhất vẫn là đầu ra, sinh viên ra trường phải có việc”.
Theo nguoiduatin.vn
Hỗ Trợ Thư Viện Violet @ 09:46 21/12/2017
Số lượt xem: 2249
- Top những điều giáo viên cần DỪNG LẠI! (20/12/17)
- Bộ Giáo dục đề xuất tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực (20/12/17)
- GS Đào Trọng Thi: Lương giáo viên phải cao nhất và có thang bảng riêng (18/12/17)
- Cảm ơn Bộ GD&ĐT đã tăng lương GV gấp 2,1 lần! (15/12/17)
- Tin chính thức: Chỉ sử dụng mẫu chứng chỉ ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT ban hành (15/12/17)
Các ý kiến mới nhất